Tăng giá điện, nhiều doanh nghiệp thép có nguy cơ “đổ vỡ”

Giá điện được điều chỉnh tăng 7,5%, tương ứng với giá bán điện bình quân 1.622, 5 đồng/kWh sẽ làm tăng rõ rệt chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất nhất là các ngành sử dụng nhiều điện như thép.

 Mức tăng khá cao


Giá điện chính thức được điều chỉnh 7,5% nhằm đảm bảo các yêu cầu Tập đoàn Điện lực EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đề nghị EVN tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Trong đó năm 2015 phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống 8% (năm 2014 tỷ lệ này là 8,49%); nâng năng suất lao động toàn Tập đoàn tăng trên 9%.

Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, mức tăng 7,5% là mức tăng thấp hơn so với mức tăng 9,5% mà EVN trước đó đã đề nghị nhưng vẫn là mức tăng khá cao. 

“Mức tăng 7,5% sẽ làm tăng rõ rệt chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất nhất là các ngành sử dụng nhiều điện như thép, xi măng…”, ông Doanh phân tích. 
Ngoài ra, ông Doanh cũng cho biết, việc tăng giá điện cũng làm tăng thêm chi phí của người dân và sẽ góp phần làm tăng thêm chỉ số giá trong tháng 3/2015 và các tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, tăng giá cũng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm điện hơn để giảm bớt các chi phí. 

Bình luận về việc điều chỉnh giá điện trong đó bao gồm mục tiêu như đảm bảo yêu cầu EVN không lỗ, bù một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại còn khoảng 8.000 tỷ… ông Doanh cho rằng, EVN đã từng báo lỗ song Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu EVN giảm bớt hao hụt đường dây, nâng cao năng suất lao động, giảm biên chế. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy EVN công bố việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng như thế nào. 
“Nếu EVN thực hiện được những yêu cầu trên sẽ giảm bớt số lỗ của EVN”, ông Doanh nói. 

Giá điện tăng, doanh nghiệp đối mặt nguy cơ đổ vỡ 


Với ngành thép, trong tổng công suất 10 triệu tấn thép/năm thì có 70%-80% phôi thép được sản xuất bằng điện. Theo thống kê, 1 tấn phôi được sản xuất ra tốn 400-500 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ hồ quang và khoảng 600 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ cảm ứng. Như vậy, việc giá điện tăng ở mức 7,5% thì sẽ phải tốn thêm 30-45 KWh điện để sản xuất ra một tấn phôi thép.

“Tăng giá điện là nguy cơ lớn đối với ngành thép. Giá phôi thép thế giới, đặc biệt là thị trường Nhật và Trung Quốc, đang rất thấp. Chưa tăng giá điện doanh nghiệp thép trong nước đã chết. Không kể đến những lò sản xuất bằng công nghệ thấp, ngay cả các lò sử dụng công nghệ ở mức trung bình cũng sẽ chết”, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết.